Người mua nhà chạy đua với chính sách

(Xây dựng) - Vẫn biết việc dừng giải ngân là phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành nhưng việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) “hỏa tốc” chỉ đạo dừng ký hợp đồng tín dụng gói 30.000 tỷ đồng khiến dư luận không tránh khỏi sự đường đột và tâm lý bất an.


Niềm vui của khách hàng may mắn đã được vay vốn ưu đãi mua NƠXH.

Sốc với chỉ đạo hoả tốc

Thông tin từ ngày 1/6/2016 NHNN dừng giải ngân gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt trong tháng qua. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng khó khăn về nhà ở đã ký hợp đồng vay vốn mua nhà ở xã hội mà sau thời điểm này chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất cho vay thương mại. Tuy nhiên, trước những phản hồi của dư luận, đặc biệt sự lo lắng của người dân, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết gói 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình.

Người dân đang ngày đêm ngóng chờ, hi vọng phản hồi từ Thủ tướng Chính phủ về chủ trương chính sách an sinh xã hội tích cực này thì “đùng một cái”, ngày 28/3/2016, NHNN lại có công văn hỏa tốc gửi 19 ngân hàng tham gia cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới từ ngày 31/3/2016. Thông tin này khiến cho một lượng không nhỏ người dân như đang ngồi trên đống lửa.

Theo văn bản này, NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Đồng thời, tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật. Với thời hạn hiện chỉ còn 2 ngày nữa để khách hàng chạy đua với thủ tục để có thể được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng thực sự là… không tưởng. Thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước sẽ được thông báo tới các ngân hàng bằng văn bản trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo dõi tình hình giải ngân thực tế của Chương trình.

Điều khiến người dân không tránh khỏi bức xúc ở chỗ kết quả thống kê công khai từ NHNN gần đây cho biết: đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng và đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (đạt hơn 70%). Như vậy, số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng với số hợp đồng đã ký thực tế đã vượt 30.000 tỷ đồng trong khi Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo nào về việc cho tiếp tục giải ngân hay dừng sau 1/6 tới và không ít khách hàng đúng đối tượng đang đặt niềm hi vọng vào chính sách vẫn còn hiệu lực này.

Đối mặt với nguy cơ trả lại nhà ở xã hội

Vẫn biết việc dừng giải ngân là phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành nhưng với một lĩnh vực nhạy cảm như vay vốn ưu đãi an sinh xã hội này thì việc chỉ đạo dừng bất ngờ, thiếu sự tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, không tránh khỏi sự đường đột, gây nên tâm lý bất an trong dư luận. Nhiều người dân dở khóc khi chưa được ký hợp đồng, nhất là những dự án sắp hoàn thành, nhưng vì lý do nào đó chưa tiến hành các thủ tục mua bán với khách hàng.

Công văn hoả tốc của NHNN tăng sức nóng khiến người dân thu nhập thấp rơi vào tâm trạng tuyệt vọng khi trông đợi vào nguồn vốn vay ưu đãi trước “giờ G”.

Anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ công chức Nhà nước đang công tác tại một cơ quan truyền thông chia sẻ: Gia đình anh đã phải chờ đợi rất lâu và đến thời điểm này mới chuẩn bị đủ điều kiện, đặc biệt là nguồn tài chính ban đầu để đăng ký mua một căn hộ nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Tứ Hiệp. Việc NHNN ra văn bản yêu cầu chấm dứt việc ký hợp đồng mới từ 31/3/2016 khiến anh Kiên vô cùng lo lắng. Anh Kiên băn khoăn: không biết có còn cơ hội nào để sở hữu “ngôi nhà mơ ước” nữa không nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện lãi suất vay thương mại dao động quanh mức 11-12%/năm (cao gần gấp 02 lần mức vay ưu đãi) sẽ là áp lực lớn đối với người dân và chắc chắn nhiều người bỗng chốc tuột khỏi tay cơ hội an cư - anh Kiên bày tỏ.

Chị Vũ Thanh Tâm, một viên chức công tác tại Bộ Xây dựng cũng trong tình trạng hoang mang và mệt mỏi. Thực tế, căn hộ chị mua từ dự án Nhà ở xã hội cuối cùng trong KĐT Đặng Xá do TCty Viglacera là chủ đầu tư vừa nhận bàn giao chưa đầy 10 ngày. Cuối giờ sáng ngày 29/3 chị mới biết tin dừng gói vay ưu đãi, đồng nghĩa với việc chị chỉ có không đầy 20 tiếng để “chạy đua” hoàn tất thủ tục. Ngay cả khi đã cầm chìa khóa trao tay, chị Tâm cũng chưa dám chắc căn hộ sẽ thuộc về mình hay không nữa.

Trong khi đó, hàng trăm người mua căn hộ tại những dự án nhà ở xã hội mới ở giai đoạn xây thô đang vô cùng hoang mang, lo lắng. Hiện không ít người mua nhà có tâm lý chán nản, buông xuôi với dự án nhà ở xã hội dở dang, thậm chí còn đang nghĩ cách trả lại nhà cho chủ đầu tư hoặc yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để tận dụng điều kiện ưu đãi trước ngày gói tín dụng “đóng cửa”. Trên nhiều trang mạng xã hội, các diễn đàn, chủ đề tìm hiểu những dự án đã hoàn thành hoặc sẽ hoàn thành trước ngày 1/6/2016 gần đây đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng đến nay, mọi hi vọng dường như đến hồi… chấm hết.

Mấu chốt vẫn là điều hành phù hợp

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ tháng 6/2013 và có thời hạn giải ngân đến hết ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả chính sách này cũng tốn không ít thời gian tháo gỡ những vướng mắc gây khó cho người vay như: Lãi suất, thời gian vay... Thực tế chứng minh, sau 01 năm triển khai, số người dân được tiếp cận vay vốn mua nhà không nhiều, khiến có vị lãnh đạo đã từng ví gói 30.000 tỷ đồng như “leo cột mỡ” và rào cản lớn nhất đối với người mua nhà ở xã hội chính là việc quy định tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng. Trước phản ánh của người dân và nhiều lần Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi, NHNN mới “nới” thêm điều kiện vay gói tín dụng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân như: Kéo dài thời gian vay lên 15 năm và lãi vay còn 5% cho năm đầu tiên. Đặc biệt, ngân hàng đã chấp nhận quyền thế chấp tài sản hình thành trong tương lai làm giao dịch đảm bảo vay vốn với ngân hàng. Tuy nhiên, sau hơn 02 năm giải ngân, mới đây NHNN ban hành Thông tư 26 quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khiến người mua nhà gặp khó, vướng ở khâu hướng dẫn công chứng thế chấp.

Theo một số chuyên gia, trước mắt, cơ quan có thẩm quyền có thể rà soát các căn hộ phù hợp để ưu tiên giải ngân hết dòng vốn, đảm bảo quyền lợi cho cả chủ đầu tư và người dân. Các dự án chưa hoàn thành thì có thể tạm chờ gói hỗ trợ khác.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đề xuất trong trường hợp NHNN quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 1/6/2016 cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đến thời hạn cuối tháng 5/2016 đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần.

Cụ thể đối với trường hợp trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi, người thu nhập thấp đã phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại (dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) với chủ đầu tư và đã trả trước 20% giá trị hợp đồng. Như vậy cần có cơ chế chuyển tiếp để xử lý các trường hợp này cho hợp tình, hợp lý.

Dừng hay tiếp tục gia hạn? Hay thay thế bằng các gói hỗ hợ khác? Các cơ quan quản lý cũng cần có những thay đổi uyển chuyển trong cách điều hành. Nói như TS Lê Xuân Nghĩa thì “tín dụng ngân hàng vẫn là kênh số 1 với thị trường BĐS và ngược lại, BĐS là bà đỡ cho ngân hàng. Nếu không nghiên cứu kỹ và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia mà quyết tâm điều tiết là một hành động “lỗ mãng” trên thị trường, đặc biệt là thị trường BĐS vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư”.

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên